Quảng cáo

Người đàn ông liên tục bị phạt nồng độ cồn vì mắc chứng "tự lên men"

Trịnh Quang Anh Trịnh Quang Anh
Chủ nhật, 28/04/2024 09:02 AM (GMT+7)
A A+

Với xác nhận của các bác sĩ, người đàn ông này đã được tòa án miễn truy tố về hành vi lái xe khi say rượu.

Một người đàn ông 40 tuổi tại Bỉ đã được miễn tội về hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn do anh ta mắc phải hội chứng "lên men tự động" (ABS), một tình trạng y tế hiếm gặp khiến cơ thể tự sinh ra ethanol trong máu.

Luật sư Anse Ghesquiere thông báo vào ngày 22/4 rằng tòa án cảnh sát tại Bruges đã tuyên bố thân chủ của cô không có triệu chứng say xỉn mà chỉ mắc hội chứng ABS. Ba bác sĩ độc lập đã xác nhận tình trạng của người đàn ông, người hiện đang làm việc tại một nhà máy bia.

Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn của lái xe (ảnh minh họa)
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn của lái xe (ảnh minh họa)

Người này từng bị cảnh sát kiểm tra vào tháng 4/2022 và kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở lần lượt là 0,91 mg/1 lít và 0,71 mg một tháng sau đó, cao hơn mức cho phép là 0,22 mg/1 lít khí thở theo quy định tại Bỉ. Năm 2019, anh cũng từng bị phạt tiền và bị treo giấy phép lái xe, mặc dù luôn khẳng định không hề uống rượu.

Anh ta không biết về tình trạng sức khỏe của mình cho đến khi nhận được kết quả kiểm tra gần đây và đã bắt đầu áp dụng chế độ ăn ít carbohydrate để giảm thiểu lượng cồn tự sản sinh trong dạ dày.

1`

Lisa Florin, nhà y sinh học lâm sàng tại bệnh viện AZ Sint-Lucas, giải thích rằng người mắc hội chứng ABS có thể tự sản xuất cồn, tương tự như trong đồ uống có cồn. Đây không phải là bệnh bẩm sinh mà là bệnh phát triển từ các vấn đề về đường ruột. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng giống như ngộ độc rượu, bao gồm nói lắp, đi lại loạng choạng, mất chức năng vận động, chóng mặt và ợ hơi.

Hội chứng này được ghi nhận lần đầu tiên vào những năm 1970 ở Nhật Bản do nồng độ men cao bất thường trong dạ dày. Nguyên nhân chính xác của sự phát triển nấm men trong ruột người vẫn chưa được xác định. Một phụ nữ ở ngoại ô New York năm 2015 cũng đã được miễn tội sau khi chẩn đoán mắc ABS.

Quảng cáo
Xem thêm