Quảng cáo

VFF có nên học hỏi Malaysia để ông Park hài lòng?

Thái Quốc Việt Thái Quốc Việt
Thứ tư, 20/01/2021 13:59 PM (GMT+7)
A A+

Nhìn sang cái cách mà bóng đá Malaysia làm để phát triển bóng đá trẻ, đây cũng có thể sẽ là giải pháp làm hài lòng cho cả ông Park lẫn các CLB tại V.League. 

“Tôi làm việc ở đây được 3 năm và cũng chỉ những con người đó là Công Phượng, Tiến Linh hay Đức Chinh. Tôi cũng đã gọi lên tuyển và thử nghiệm rất nhiều rồi nhưng cũng chưa tìm ra thêm được ai cả. Ở Việt Nam, các tiền đạo thi đấu tại V.League đều là những cầu thủ nước ngoài.

Lấy số liệu ở mùa giải vừa rồi có 47 cầu thủ nước ngoài thì 70-80% đều là tiền đạo. Vậy thì lấy đâu ra tiền đạo nội, chưa muốn nói đến là cầu thủ trẻ kế thừa cho đội tuyển Việt Nam”.

Trên đây là một trong rất nhiều lần HLV Park Hang Seo phát biểu với truyền thông về cách làm bóng đá của các CLB V.League hiện tại.

VFF có nên học hỏi Malaysia để ông Park hài lòng? Ảnh 1

Với quan điểm cá nhân của vị chiến lược gia này, ông cho rằng V.League nên tạo điều kiện để cho các cầu thủ trẻ ra sân nhiều hơn, có cơ hội cọ xát với môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Và dĩ nhiên, mỗi lần ông Park phát biểu, là mỗi lần đại diện các CLB lên tiếng phản đối.

Các CLB cho rằng ông Park đang quá ích kỷ, họ nói rằng vị chiến lược gia người Hàn chỉ nghĩ cho những mục tiêu trước mắt của ĐTQG Việt Nam mà bỏ qua những vấn đề khác như thương hiệu giải đấu, thành tích của các CLB. 

Dễ hiểu thôi, thực trạng của các CLB V.League hiện nay là sống lệ thuộc vào các ông Bầu, các nhà tài trợ. Vậy nên, chẳng ai muốn bỏ ra cả núi tiền mỗi năm ra mà không nhận lại bất cứ giá trị gì về mặt thành tích cả.

Sử dụng tiền đạo ngoại nói riêng, các ngoại binh nói chung là cách dễ dàng nhất để các CLB đi tới thành công. Nói vậy mới thấy, làm bóng đá theo "kiểu bầu Đức", cho phép các cầu thủ trẻ thoải mái thi đấu là "của hiếm" của V.League hiện tại.

Vậy câu hỏi được đặt ra là có cách nào để vừa làm hài lòng ông Park, vừa có thể không đụng chạm tới lợi ích của các ông bầu V.League? Đó là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, hãy nhìn sang Malaysia, nơi mà đang có thứ chúng ta có thể sẽ cần học hỏi.

Thầy Park có muốn V.League học hỏi Malaysia? Ảnh 1
Lứa trẻ Malaysia đang "thống trị" ĐNÁ.

Nền kinh tế đứng thứ 40 thế giới đã tạo dựng nên cơ sở vật chất tuyệt vời cho công tác đào tạo trẻ. Chính phủ Malaysia từng chi 30 triệu USD để mở học viện Mokhtar Dahari đặt tại Pahang. Điểm nhấn của học viện này là 10 sân bóng được xây dựng liền kề, giúp cầu thủ trẻ có nhiều không gian nhất để luyện tập, cùng đó là các trang thiết bị luyện tập hiện đại.

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia là Syed Saddiq từng nhấn mạnh tham vọng của Malaysia khi mở học viện Mokhtar Dahari là chinh phục đỉnh cao châu Á, hay thậm chí là vươn tầm ra cả thế giới. 

Ở Việt Nam không thiếu những học viện đào tạo trẻ chất lượng như thế, vậy điểm khác nhau giữa Malaysia và các học viện của chúng ta là gì? Đó là ở vấn đề sau đào tạo.

Năm 2007, Malaysia có quyết định gây chấn động dư luận lúc bấy giờ, đó chính là cho phép đội U21 QG (nòng cốt là cầu thủ học viện Mokhtar Dahari) với cái tên là Harimau Muda FC, tham dự giải Malaysia Premier League - giải đấu cao thứ nhì cấp CLB ở đất nước này, tương đương hạng Nhất tại Việt Nam.

Thầy Park có muốn V.League học hỏi Malaysia? Ảnh 1
Đội Harimau Muda chinh chiến ở giải hạng nhì Malaysia.

LĐBĐ Malaysia thậm chí còn cấp một số đặc quyền cho đội bóng này. Họ sẽ không phải lo việc ăn ở, đi lại trong lúc thi đấu. Bên cạnh đó, Harimau Muda FC cũng không phải lo lắng về chuyện xuống hạng, bất chấp kết quả vào cuối mùa có ra sao. Như vậy, các cầu thủ trẻ của Malaysia sẽ có cơ hội cọ xát, thi đấu ở môi trường bóng đá đỉnh cao một cách thường xuyên. 

Ở thời điểm hiện tại, nhiều cầu thủ của Harimau Muda FC như Mahali Jasuli, Wan Zack Nor Haikal, Shakir Ali và Muslim Ahmad đã giành được chỗ đứng trong màu áo ĐTQG Malaysia. 

Đây chính là một trong những lý do mà bóng đá trẻ Malaysia có được thành công trong vài năm qua. Họ đang là ĐKVĐ của các giải U15, U18 ĐNÁ. Ở VCK U23 châu Á 2018, Malaysia cũng giành chiến thắng trước Saudi Arabia và chỉ chịu thua Hàn Quốc ở tứ kết. Đến Asiad 2018, "những chú hổ" thậm chí còn hạ Hàn Quốc của Son Heung Min, chỉ chịu dừng lại bởi một Nhật Bản quá đẳng cấp..

Dẫu biết rằng mỗi quốc gia có một tình chất đào tạo khác nhau, tính chất giải đấu khác nhau, nhưng nếu nhìn sang cái cách mà bóng đá Malaysia đang làm để ươm mầm các tài năng trẻ, đây cũng có thể sẽ là giải pháp làm hài lòng cho cả ông Park lẫn các CLB tại V.League. 

Khi Kiatisak và Park Hang Seo 'đồng điệu'

VIDEO: Show diễn đỉnh cao của tài năng trẻ hàng đầu Đông Nam Á. Nguồn: AFC

Quảng cáo
HLV Park Hang Seo Malaysia Bóng đá Việt Nam
Xem thêm