Chiếc Mini điện mới của BMW cùng với Cupra Tavascan thuộc sở hữu của Volkswagen tự động bị áp mức thuế tối đa vì chúng không nằm trong diện điều tra của EU.
Liên Minh Châu Âu (EU) đang xem xét việc giảm thuế đối với hai mẫu xe do BMW và Volkswagen sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào châu Âu.
Tuy nhiên, một trong những nhà sản xuất ô tô này cho rằng các nhà lập pháp nên loại bỏ hoàn toàn hệ thống thuế quan này vì một lý do hoàn toàn khác.
Chiếc Mini điện mới của BMW cùng với Cupra Tavascan thuộc sở hữu của Volkswagen đều được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc và đã phải chịu mức thuế cao nhất là 37,6% kể từ khi các quy định mới có hiệu lực vào đầu tháng 07/2024.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Reuters, Ủy ban Châu Âu sẵn sàng giảm gần một nửa mức thuế này xuống còn 20,8% cho cả hai mẫu xe.
Hệ thống thuế quan của Ủy ban hoạt động theo một thang trượt. Các xe của BYD chỉ phải chịu mức thuế 17,4% bởi hãng này đã hợp tác với cuộc điều tra và được đánh giá nhận ít trợ cấp nhà nước hơn so với một số nhà sản xuất ô tô khác. Ngược lại, SAIC - công ty mẹ của MG - lại bị áp mức thuế cao nhất là 37,6% một phần vì không hợp tác.
Cuộc điều tra không đề cập đến từng chiếc xe được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào châu Âu. Bởi vậy, những chiếc không bị ảnh hưởng như Mini và Tavascan đã tự động nhận mức phạt nặng nhất. Reuters cho biết EU sẵn sàng phân loại lại BMW và Volkswagen như những bên hợp tác và giảm mức thuế của họ xuống còn 20,8%.
Quy trình Ủy ban Châu Âu đưa ra mức thuế 20,8% hiện vẫn còn khá mơ hồ. Tuy nhiên, dù BMW và Volkswagen đã được công nhận là hợp tác trong điều tra mà vẫn không thể hưởng mức thuế ưu đãi như BYD, có thể thấy rằng cả hai công ty này vẫn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc.
Báo cáo gần đây của Ủy ban đã làm sáng tỏ rằng các hình thức trợ cấp nhà nước này bao gồm các khoản vay với lãi suất ưu đãi, giá đất giảm và pin được trợ giá.
Trớ trêu thay, hãng xe Đức BMW lại phản đối mức thuế này. Nguyên nhân không chỉ vì nó làm tăng chi phí nhập khẩu xe của họ từ Trung Quốc vào châu Âu mà còn vì lo ngại Trung Quốc có thể trả đũa, làm giảm lợi nhuận từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường đã tạo ra một phần ba doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Đức trong năm ngoái.
Các quốc gia thành viên của EU cũng có những quan điểm khác nhau về lợi ích của mức thuế này.Mặc dù có hiệu lực từ ngày 04/07, các mức thuế này chỉ mang tính tạm thời trong bốn tháng đầu tiên và khối này vẫn phải bỏ phiếu xem có nên áp dụng chúng lâu dài hay không.
Theo nguồn tin từ Reuters., trong một cuộc bỏ phiếu tạm thời gần đây của 27 quốc gia thành viên EU, có 12 quốc gia ủng hộ mức thuế, 4 quốc gia bỏ phiếu chống và 11 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Kết quả này vẫn đủ để biến chính sách thành luật nếu các thành viên bỏ phiếu theo cùng một cách vào cuối năm, nhưng nó cũng cho thấy sự thiếu thống nhất trong cách xử lý mối đe dọa kinh tế do ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng.