Khi một đội bóng đối mặt với mối nguy tài chính, thắt lưng buộc bụng là điều được ưu tiên. Nhưng Barcelona là trường hợp dị biệt khi họ đang làm náo loạn thị trường chuyển nhượng, liên tục đưa về các tân binh chất lượng. Tuy nhiên Barca thừa hiểu nếu như những tân binh kể trên không thể đem về những danh hiệu mùa này, tương lai của đội bóng thật sự đang gặp nguy hiểm.
Thực tế, Barca vẫn đang chi tiêu vượt quá so với khả năng của họ. Những bản hợp đồng mới họ vừa ký mặc dù đã có màn ra mắt đội bóng nhưng không được phép đăng ký trong bối cảnh câu lạc bộ đang phải vật lộn với việc trả lương chậm cho các cầu thủ. Cá biệt là trường hợp của Frenkie De Jong.
Có thể thấy, tình hình tài chính của Barca chẳng khác là bao so với khi cựu chủ tịch Bartomeu nắm quyền. Nhưng làm thế nào mà một đội bóng đang mắc nợ cả tỷ euro lại có thể chi tiêu hào phóng như vậy cho các thương vụ chuyển nhượng?
Cụ thể, câu trả lời chính là Barca đã mang tài sản của mình ra ... bán. Vào tháng 6/2021 Chủ tịch Laporta đã được Hội đồng quản trị của Barca cho phép bán các tài sản của CLB , nhằm mục tiêu tăng ngân sách, đủ sức cung cấp tài chính để CLB thể hoạt động bình thường trong thời gian trước mắt.
Đầu tiên, Barca bán 10% bản quyền truyền hình ở La Liga cho tập đoàn đầu tư Six Street (Mỹ) vào tháng 6/2022 với giá trị 207,5 triệu euro nhằm mục đích tăng ngân sách cho đội bóng. Thương vụ này giúp cho Barca có lãi ở cuối năm tài chính 2021/2022.
Đòn bẩy kinh tế thứ 2 nhằm mục đích nâng giới hạn quỹ lương cho cầu thủ và phù hợp với quy định của La Liga. Họ bán thêm 25% bản quyền truyền hình đổi lấy 300 triệu euro. Cuối cùng, chủ tịch Laporta cùng các cộng sự lên kế hoạch bán tiếp 49,9% cổ phần của công ty con BLM (Barca Licensing & Merchandising). Nếu mọi chuyện suôn sẻ, tổng doanh thu của Barca trong mùa Hè sẽ là hơn 600 triệu Euro, cho phép CLB đăng ký thêm tân binh cho mùa giải 2022-23.
Nói đơn giản, Barca đã xin giãn nợ thành công khoản nợ họ đang phải gánh, đồng thời hy vọng sẽ làm ăn có lãi trong tương lai. Nhưng làm ăn có lãi đi liền việc thành tích phải tốt, mà thành tích tốt phải có cầu thủ chất lượng. Đó chính là lý do Barca liên tục bán đi tài sản của mình để có tiền mang về các tân binh. Nhưng bán những tài sản mà tương lai có thể mang về nhiều lợi nhuận với mức giá rẻ ở thời điểm hiện tại, gọi là 'bán lỗ'. Barca bây giờ giống như ví dụ về một gia đình nhà nghèo, phải 'bán lúa non' để có tiền cho con đi học thành tài rồi quay về trả nợ cho bố mẹ.
Cùng với đó là câu chuyện về quỹ lương của câu lạc bộ. Barca đối diện với thách thức trần lương từ La Liga, khoản chi mà họ âm đến 144 triệu euro. Những yếu tố đó dẫn đến hàng loạt hệ lụy, tiêu biểu là việc chiêu mộ cầu thủ mới. Đó cũng là lý do chính khiến Man United chưa thể có được Frenkie de Jong. La Liga dựa trên những báo cáo tài chính từ các CLB để cho phép họ được chi bao nhiêu tiền lương mỗi mùa. Nói cách khác, giải đấu hàng đầu Tây Ban Nha nhấn mạnh các CLB không được chi quá 60% doanh thu mà họ kiếm được.
Vì vậy, ngay cả khi việc bán tài sản mang lại nhiều rủi ro cho đội bóng, chủ tịch Laporta cũng phải chấp nhận rủi ro ấy. Ngoài đòn bẩy tài chính, đội bóng xứ Catalan còn bán thêm các cầu thủ không có trong kế hoạch của HLV Xavi nhằm thu về lợi nhuận. Những Trincao, Depay, Lenglet, Umtiti, Alves, Coutinho, Griezmann, ... đã hoặc sẽ bị đẩy đi theo nhiều cách khác nhau.
'Bán tương lai để cứu hiện tại' là cụm từ có thể dùng để miêu tả Barcelona vào lúc này. Mặc dù điều này không tốt về lâu dài nhưng nó là cách duy nhất có thể 'nuôi sống' đội bóng. Với số tiền hiện có, Barca đã dùng để chi tiêu vào các phi vụ chuyển nhượng. Đây thật sự là một 'canh bạc lớn' và sẽ chỉ được đền đáp nếu Barca có danh hiệu ở mùa giải này.
Mùa hè này, có thể Barca đã thành công ở TTCN khi mang về được nhiều tân binh, nhưng trong số đó có nhiều người có niên hạn sử dụng ngắn: Lewandowski, Aubameyang và có thể là Azpilicueta cũng như Marcos Alonso. Nói cách khác, Barca muốn 'hái phần ngọn' trước, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu kế hoạch này thất bại, hay Barca không thể có thành tích tốt ở một vài mùa giải kế tiếp? Câu lạc bộ sẽ lại rơi vào vòng nợ nần như trước khi Laporta nhậm chức, kéo theo thành tích đội bóng đi xuống - một vòng luẩn quẩn không hồi kết.
Thế nên tương lai của Barcelona có thể tươi sáng, nhưng hoàn toàn cũng có thể là 'cơn ác mộng' nếu như họ tiếp tục thất bại ở mùa giải này.
Tuchel 'nổi đóa' với ban lãnh đạo Chelsea sau trận thua
Real Madrid 'trói chân' 3 ngôi sao, sốc với mức phí phá vỡ hợp đồng