Loạt hãng xe Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam với nhiều kế hoạch cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường.
Sau thời gian dài hiện diện mờ nhạt, các thương hiệu ôtô Trung Quốc đang có bước quay trở lại mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.
Trong vòng hai năm trở lại đây, những cái tên như Geely, Chery, BYD, SAIC lần lượt ra mắt sản phẩm mới, thể hiện sự đầu tư bài bản từ thiết kế, công nghệ đến dịch vụ bán hàng.

Điểm đáng chú ý là các hãng này không chỉ tập trung vào xe giá rẻ như trước mà đã mở rộng danh mục sang SUV hạng B, MPV phổ thông và thậm chí cả dòng xe điện cao cấp, với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp cùng các đối thủ Nhật – Hàn.
Thị trường Việt Nam: Nhiều nỗ lực, ít đột phá
Dù đã cải thiện đáng kể về chất lượng và định vị sản phẩm, các thương hiệu Trung Quốc vẫn chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc.
Phản ứng từ thị trường cho thấy người tiêu dùng Việt vẫn còn dè dặt trước những sản phẩm đến từ quốc gia này.

Những mẫu xe mới dù có thiết kế bắt mắt, trang bị phong phú nhưng vẫn khó ghi dấu ấn về mặt doanh số.
Điều này cho thấy sự cải tiến về sản phẩm là cần thiết, nhưng chưa đủ nếu không có nền tảng thương hiệu mạnh và mạng lưới hậu mãi tin cậy.
Vòng vây từ các thương hiệu Nhật – Hàn
Áp lực cạnh tranh đến từ những hãng xe đã có chỗ đứng là thách thức lớn nhất.
Trong phân khúc SUV cỡ B, loạt xe Trung Quốc như Omoda C5, Coolray, Haval Jolion dù mới mẻ nhưng khó cạnh tranh với những lựa chọn đã quen thuộc như Toyota Yaris Cross hay Mitsubishi Xforce.

Tương tự, ở phân khúc crossover tầm giá 1 tỷ đồng, những cái tên như BYD Atto 3, Jaecoo J7 dường như không thể phá vỡ thế thống trị của Hyundai Tucson, Mazda CX-5 hay Ford Territory – các mẫu xe có ưu thế về cả thương hiệu và dịch vụ hậu mãi.
Trong nhóm MPV phổ thông, các mẫu xe như MG G50, BYD M6 tiếp tục chịu lép vế trước Mitsubishi Xpander và Toyota Veloz Cross.
Việc VinFast tung ra mẫu Limo Green càng khiến cuộc cạnh tranh thêm phần khốc liệt.

Giá rẻ không còn là át chủ bài
Trước đây, mức giá cạnh tranh là lợi thế giúp ôtô Trung Quốc dễ tiếp cận khách hàng.
Tuy nhiên, điều này đang dần mất đi khi các hãng Nhật – Hàn liên tục điều chỉnh giá, tung ra nhiều phiên bản giá mềm với trang bị ngày càng phong phú.

Các mẫu xe như Suzuki XL7, Mitsubishi Attrage, Toyota Vios...hiện không còn quá chênh lệch so với xe Trung Quốc về giá nhưng lại sở hữu lợi thế lớn về độ bền, giá trị bán lại và niềm tin người dùng.
Ở nhóm xe có giá tiệm cận 1 tỷ đồng, yếu tố thương hiệu và dịch vụ hậu mãi trở thành rào cản lớn khiến xe Trung Quốc khó thuyết phục được nhóm khách hàng đòi hỏi cao về chất lượng dài hạn.
Rút lui trong im lặng: Tín hiệu đáng lo
Nhiều thương hiệu từng đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam nay đã lặng lẽ rút lui.
Hãng xe điện Aion từng công bố kế hoạch phát triển 30 đại lý, hiện showroom duy nhất tại TP.HCM đã bị thay thế bởi BYD.

TMT Motors sau khi tung ra dòng xe điện Wuling miniEV công bố lỗ hơn 315 tỷ đồng trong năm 2024 và đóng cửa hàng loạt đại lý.
Tình trạng tương tự diễn ra với GAC, khi kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối đang có dấu hiệu chững lại, và Dongfeng, vốn gần như “biến mất” sau lần ra mắt thiếu chuẩn bị.
Hệ lụy dây chuyền và bài học niềm tin
Việc các thương hiệu Trung Quốc rút lui theo hình thức âm thầm không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại cho các nhà đầu tư phân phối nội địa.
Hệ quả lâu dài là niềm tin người dùng bị xói mòn khiến các hãng khác dù hoạt động nghiêm túc hơn cũng phải chịu “vạ lây”.
Tình trạng này từng xảy ra vào đầu những năm 2010 và nếu không thay đổi cách tiếp cận, làn sóng “ra đi không lời từ biệt” nhiều khả năng sẽ lặp lại theo chu kỳ.

Thị trường ôtô Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh, không chỉ bởi sự vươn lên của xe Nhật, Hàn mà còn nhờ sự đa dạng sản phẩm từ thương hiệu nội địa như VinFast.
Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo, đặt nặng yếu tố giá trị sử dụng lâu dài và dịch vụ hậu mãi.
Dù cơ hội vẫn còn, nhưng để thành công, các thương hiệu Trung Quốc phải đầu tư lâu dài, nghiêm túc và nhất quán.
Nếu không, giấc mơ bám trụ tại Việt Nam sẽ chỉ là cuộc dạo chơi ngắn hạn, lặp lại quá khứ từng khiến họ phải rời đi trong im lặng.