Doanh số bán xe điện hoàn toàn (EV) và xe lai điện (PHEV) trên toàn cầu trong tháng 6/2024 đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Ông Charles Lester, người phụ trách số liệu tại công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion, cho biết Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng doanh số bán xe, khi số lượng xe điện có sẵn ngày càng nhiều và doanh số mạnh mẽ của BYD đã góp phần tăng thị phần nội địa của PHEV trong nửa đầu năm.
Theo ông Lester, doanh số bán PHEV toàn cầu đạt 1,4 triệu chiếc trong tháng 6, trong đó 0,86 triệu chiếc được bán tại Trung Quốc, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại châu Âu, doanh số bán xe trong tháng giảm 7% xuống 0,30 triệu chiếc, với Phần Lan, Ireland và Hà Lan dẫn đầu đà giảm. Tuy nhiên, tại Italy, doanh số bán xe đã tăng 34% nhờ các chương trình ưu đãi của chính phủ.
Ở Mỹ và Canada, doanh số bán PHEV đã tăng 6% lên 0,14 triệu chiếc trong tháng này. Đáng chú ý, doanh số bán hàng của BYD tại Brazil đã tăng gấp ba lần so với tháng 6/2023.
“Doanh số bán xe điện tại Mỹ đã vượt kỳ vọng trong một quý phá kỷ lục,” Stephanie Valdez Streaty của Cox Automotive cho biết. “Mặc dù doanh số của Tesla đang giảm, với thị phần xe điện của hãng lần đầu tiên ở mức dưới 50%, nhưng bức tranh tổng thể của lĩnh vực xe điện đang trở nên ngày càng khốc liệt. Sự cạnh tranh này đang dẫn đến áp lực giá cả liên tục, từ từ thúc đẩy việc chấp nhận xe điện. Các nhà sản xuất ô tô cung cấp sản phẩm phù hợp với giá cả hợp lý và mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người tiêu dùng sẽ dẫn đầu trong việc chấp nhận xe điện.”
Ông Lester cho biết Rho Motion đã hạ dự báo doanh số bán xe điện xuống 16,6 triệu chiếc trong năm nay, giảm 5%, với sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực.
Nhu cầu về xe điện đã giảm trong những tháng gần đây sau khi tăng mạnh trong vài năm qua, khi người tiêu dùng chờ đợi những mẫu xe giá cả phải chăng hơn.
Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt mức thuế lên tới 37,6% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng giữa khối này và "gã khổng lồ châu Á".