Quảng cáo

Xe điện BYD sẽ đối diện những thách thức nào tại thị trường Việt Nam?

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ năm, 18/07/2024 17:22 PM (GMT+7)
A A+

Ngoài vấn đề hạ tầng trạm sạc, các mẫu ô tô điện BYD vừa ra mắt thị trường Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn đến từ tâm lý người dùng hay chất lượng sản phẩm.

Mới đây, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã chính thức mở bán 3 mẫu xe điện đầu tiên tại Việt Nam bao gồm Dolphin (hatchback), Atto 3 (crossover) và Seal (sedan). Những mẫu xe này được kỳ vọng sẽ làm nóng thị trường ô tô trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, người dùng vẫn còn đó những câu hỏi về khả năng để BYD có thể thành công tại Việt Nam, khi mà hãng xe này đang đối mặt khá nhiều thách thức.

Tâm lý e dè của người dùng trước ô tô Trung Quốc

Vào năm 2006, Tập đoàn Lifan đã ra mắt mẫu sedan Lifan 520, đánh dấu bước đầu cho việc thâm nhập thị trường Việt Nam của các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc. Đến năm 2009, Tập đoàn Chery đã giới thiệu mẫu xe Chery QQ3 với giá chỉ 10.000 USD (khoảng 180 triệu đồng tại thời điểm đó). Năm 2010, BYD cũng trình làng mẫu BYD F0 tại Việt Nam với mức giá khoảng 200 triệu đồng. 

chery-1433
Chery QQ3.

Mẫu số chung của các sản phẩm này là giá thành rẻ hơn nhiều so với các mẫu xe nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù vậy, chất lượng xe Trung Quốc ở thời điểm đó không cao và thường sao chép thiết kế từ các hãng nổi tiếng. Hơn nữa, việc thiếu hệ thống đại lý phân phối và trung tâm bảo hành chính hãng khiến cho người tiêu dùng không mấy quan tâm. 

Trong những lần trở lại tiếp theo với những tên tuổi mới như Haima, MG, Zotye hay gần đây nhất là Wuling và Chery, mặc dù số lượng mẫu xe phong phú hơn và gần gũi với thị hiếu người tiêu dùng hơn, các nhà sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các mẫu xe Nhật Bản và Hàn Quốc vốn đang rất được người Việt Nam yêu thích. 

Xe điện BYD sẽ đối diện những thách thức nào tại thị trường Việt Nam? 499984

TMT Motors đặt mục tiêu doanh số mỗi năm cho mẫu Wuling Mini EV là 5.525 chiếc, nhưng cả năm 2023 thực tế chỉ bán được gần 600 chiếc. Đáng chú ý, đây là một trong những mẫu xe điện mini bán chạy nhất thế giới. Tại Việt Nam, nếu nói về cạnh tranh, Wuling Mini EV không có đối thủ cùng phân khúc và giá bán lại siêu rẻ, nhưng vẫn gặp khó khăn. 

Đối với Chery, tập đoàn này dự định giới thiệu xe tại Việt Nam từ cuối năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa trình làng. Các thương hiệu nhập khẩu xe về Việt Nam như Haima và Haval cũng không công khai doanh số.

Tâm lý ưa chuộng xe Nhật và Hàn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dùng ô tô tại Việt Nam, là kết quả của nhiều năm xây dựng và cung cấp giá trị thực sự từ các thương hiệu này.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm về sản phẩm từ Trung Quốc, dù sản phẩm có tốt đến mấy.

Hệ thống trạm sạc

Thách thức lớn nhất đối với BYD tại Việt Nam là vấn đề hạ tầng trạm sạc. Theo đại diện BYD Việt Nam, hãng chủ trương không tập trung xây dựng trạm sạc công cộng riêng, thay vào đó khách hàng sẽ sạc tại các trạm của bên thứ ba phát triển.

Hãng cho biết đang hợp tác với các đối tác để phát triển hệ thống trạm sạc phù hợp, với sự quan tâm đầu tư từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm xây dựng một hệ sinh thái cho xe năng lượng mới. Đây là một bài toán khó với người dùng tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM.

Xe điện BYD sẽ đối diện những thách thức nào tại thị trường Việt Nam? 499986

Hiện tại, phần lớn trạm sạc tại Việt Nam thuộc sở hữu của VinFast và chỉ phục vụ xe VinFast. VinFast đã thông báo sẽ chia sẻ trạm sạc với các hãng khác nhưng cần thời gian để thực hiện. Các hãng xe khác tại Việt Nam hoặc không có trạm sạc hoặc chỉ có bộ sạc tại nhà hoặc một vài trụ sạc nhanh tại trung tâm bảo dưỡng. 

Việc BYD vượt qua "ông trùm" Tesla để trở thành thương hiệu xe điện số một thế giới trong hai năm gần đây là một bất ngờ lớn của ngành ô tô. Tuy nhiên, một điều ít người chú ý là phần lớn doanh số của BYD đến từ thị trường quê nhà. Theo tờ Wall Street Journal, năm 2023 vừa qua, hãng này đã đạt doanh số tổng cộng khoảng 3,02 triệu xe, trong đó gần 3 triệu xe được tiêu thụ tại Trung Quốc và chỉ khoảng 243.000 xe bán ra tại các thị trường nước ngoài.

Xe điện BYD sẽ đối diện những thách thức nào tại thị trường Việt Nam? 499987
Trung Quốc hiện có hệ thống trạm sạc phát triển hơn nhiều so với Việt Nam.

Điều này cho thấy thực tế rằng xe điện BYD vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường trong nước, nơi có dân số trên 1 tỉ người và được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Trung Quốc, bao gồm hỗ trợ, miễn thuế, giảm giá và xây dựng hạ tầng trạm sạc.

Trung Quốc và một số thị trường khác đã chuyển sang xe điện từ lâu, trong khi Việt Nam mới chỉ bắt đầu, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhập khẩu, khiến giá xe điện của BYD khó cạnh tranh về giá.

Giá bán chưa đủ cạnh tranh

Theo BYD, giá bán cụ thể của 3 mẫu xe điện của hãng tại thị trường Việt Nam như sau:

  • BYD Dolphin GXL: 659.000.000 VNĐ.
  • BYD Atto 3 Dynamic: 766.000.000 VNĐ.
  • BYD Atto 3 Premium: 886.000.000 VNĐ.
  • BYD Seal Advanced: 1.1119.000.000 VNĐ.
  • BYD Seal Performance: 1.359.000.000 VNĐ.
Xe điện BYD sẽ đối diện những thách thức nào tại thị trường Việt Nam? 499988

Xét từng mẫu xe, BYD Dolphin có thể cạnh tranh với các mẫu xe xăng ở phân khúc B như Toyota Yaris (684 triệu đồng) và Suzuki Swift (559 triệu đồng). Trong khi đó, Atto 3 là mẫu SUV cỡ B+ đối đầu trực tiếp với VinFast VF 6 (766 – 886 triệu đồng, bao gồm pin). Tuy nhiên, VF 6 còn có tùy chọn thuê pin với giá từ 675-765 triệu đồng, vì vậy sẽ có thêm lợi thế. 

Ở phân khúc xe xăng, Atto 3 sẽ cạnh tranh với Honda HR-V (699-871 triệu đồng) và thậm chí là cả phân khúc trên với Mazda CX-5 (từ 750 triệu đồng).

Xe điện BYD sẽ đối diện những thách thức nào tại thị trường Việt Nam? 499989
VinFast VF 6 - đối thủ của BYD Atto 3 tại Việt Nam.

BYD Seal sẽ cạnh tranh với các đối thủ chính trong phân khúc sedan cỡ D như Toyota Camry (1,105-1,495 tỷ đồng), Mazda6, Kia K5 và Honda Accord.

Có thể thấy, BYD đã tính toán kỹ lưỡng khi chào bán sản phẩm với giá không quá chênh lệch so với các mẫu xe cùng phân khúc hiện có tại Việt Nam.Tuy nhiên, vì là xe điện, những mẫu xe của BYD vẫn có giá cao hơn mặt bằng chung và có thể cần nhiều thời gian để tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Hoài nghi về chất lượng sản phẩm

Một thách thức khác mà BYD phải đối mặt khi đến với thị trường Việt Nam là vấn đề chất lượng xe.

Vào hồi cuối tháng 4/2024 vừa qua, chuyên trang về ô tô điện của Trung Quốc có tên là CnEVPost đã đăng tải thông tin về vụ việc triệu hồi 16.666 chiếc Seagull - một trong những cái tên bán chạy nhất của BYD. Những chiếc xe nằm trong diện ảnh hưởng được sản xuất từ 7/4 - 31/5/2023.

Các báo cáo gần đây cho biết xe xuất khẩu từ Trung Quốc cần phải sửa chữa nhiều lần khi đến nơi. Những chiếc xe cập bến Nhật Bản bị trầy xước và những chiếc đến châu Âu bị mốc.

Xe điện BYD sẽ đối diện những thách thức nào tại thị trường Việt Nam? 499992

Theo truyền thông châu Âu, dù nấm mốc có thể xảy ra phổ biến trên ô tô, đặc biệt khi chúng được bảo quản trong thời gian dài trong điều kiện ẩm ướt, nhưng vấn đề với ô tô BYD là chúng không được xử lý thích hợp để loại bỏ nấm mốc.

Tại Thái Lan, các vấn đề về chất lượng của BYD cũng ngày càng gia tăng. Những lời phàn nàn về tình trạng bong tróc sơn và nhựa đã trở nên phổ biến. Trong khi đó, ở Israel, xe BYD EV được cho là đã bị cong vênh dưới sức nặng của giá nóc.

Xe điện BYD sẽ đối diện những thách thức nào tại thị trường Việt Nam? 499994

Đặc biệt, gần đây đã xảy ra vụ cháy showroom BYD thứ 10 kể từ năm 2021 vào ngày 16/5 vừa qua, thiêu rụi hoàn toàn 7 xe và làm hư hại nhiều xe khác. BYD giải thích rằng hệ thống dây điện cũ trên mái cửa hàng là nguyên nhân gây cháy, nhưng các báo cáo chỉ ra rằng các phòng trưng bày của họ thường xuyên bốc cháy. May mắn là vụ việc mới nhất không có ai thiệt mạng, nhưng phải cần đến 7 xe cứu hỏa mới có thể dập tắt được.

Với việc chất lượng phương tiện luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu khi mua xe, cùng với những dấu hỏi trong vấn đề trạm sạc và tâm lý “cảnh giác” sẵn có, BYD nhiều khả năng sẽ vấp phải những hoài nghi trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường Việt Nam. Thương hiệu ô tô Trung Quốc sẽ cần khắc phục những yếu điểm của bản thân để từng bước chinh phục niềm tin nơi khách hàng.

Quảng cáo
Xem thêm