Đoàn thể thao Trung Quốc chỉ cán đích thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương Olympic Paris 2024, sức mạnh của họ được thể hiện rõ khi thống trị nhiều bộ môn.
Trung Quốc đã có những thời điểm bứt phá tại Olympic Paris 2024, trong ngày bế mạc 11/8 họ vẫn dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương, nhưng đến những môn thi đấu cuối cùng đoàn thể thao Mỹ đã san bằng số HCV và chính thức giành vị trí số 1. Bằng số HCV với Trung Quốc nhưng hơn số HCB.
Dù không thể giữ ngôi nhất bảng, nhưng thể thao Trung Quốc vẫn rất mạnh tại Thế vận hội năm nay và nó được thể hiện rõ nét ở nhiều bộ môn họ thống trị.
Nhắc tới môn nhảy cầu Olympic, Trung Quốc luôn là ứng cử viên hàng đầu cho tấm HCV ở các nội dung. Cũng dễ hiểu khi tại các kỳ Thế vận hội trước, họ luôn đạt thành tích cao nhất bộ môn này trong 8 nội dung tranh tài. Olympic 2016 đoàn thể thao Trung Quốc giành 7/8 HCV, đây cũng là con số họ đạt được tại kỳ Olympic 2021.
Tại Olympic Paris 2024, Trung Quốc một lần nữa thống trị môn nhảy cầu và lần này họ còn thể hiện xuất sắc hơn với sự thống trị tuyệt đối. Trong toàn bộ 8 nội dung của nam và nữ, Trung Quốc đều giành HCV. Trong đó có 2 nội dung Trung Quốc giành cả HCV và HCB, đó là nhảy cầu mềm 3m nam và nhảy cầu cứng 10m nữ.
Tương tự ở bộ môn Bóng bàn, năm nay Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự thống trị ở toàn bộ 5 nội dung của nam, nữ cũng như đồng đội. Họ giành trọn vẹn 5/5 HCV cùng với 1 HCB, qua đó thể hiện sự thống trị tuyệt đối. Trong 2 kỳ Olympic gần nhất, Trung Quốc cũng chính là quốc gia thống trị bộ môn bóng bàn với 4/4 HCV năm 2016 và 4/5 HCV năm 2020.
Ở các bộ môn thi đấu khác tại Olympic Paris 2024, dù Trung Quốc không thống trị tuyệt đối nhưng vẫn thể hiện sức mạnh vượt trội với thành tích hàng đầu.
Tiêu biểu ở bộ môn cử tạ, đoàn thể thao Trung Quốc xuất sắc dẫn đầu toàn đoàn với 5/10 tấm HCV. Li Wenwen, đô cử nữ hạng cân trên 81kg là VĐV mang về tấm HCV cuối cùng cho Trung Quốc trong ngày Bế mạc Olympic Paris 2024. Tại 2 kỳ Olympic gần nhất, Trung Quốc cũng luôn thể hiện sự độc tôn trên bảng tổng sắp huy chương môn Cử tạ (5/14 HCV năm 2016, 7/14 HCV năm 2020).
>>> LỰC SĨ TRUNG QUỐC BỎ NÂNG TẠ ĐỂ NHẤC BỔNG HLV
Bắn súng Trung Quốc tại Thế vận hội 2016 không được nhắc tới, họ chỉ giành 1/15 tấm HCV. Tuy nhiên, 4 năm sau họ đã có sự tiến bộ vượt bậc với 4 HCV và cạnh tranh gay gắt với các quốc gia.Đến kỳ Olympic Paris năm nay, Trung Quốc một lần nữa tạo cuộc đua khốc liệt với Hàn Quốc.Trong tổng số 15 bộ huy chương, Trung Quốc dẫn đầu với 5 HCV, đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 3 HCV.
Bên cạnh các môn thể thao trên, năm nay Trung Quốc còn gây ấn tượng ở nhiều bộ môn không phải thế mạnh.Quần vợt nữ Olympic chứng kiến lần đầu tiên Trung Quốc giành tấm HCV, người mang về kỳ tích này là VĐV Zheng Qinwen sau khi đánh bại Donna Vekic của Croatia tại trận chung kết.
Bơi lội Trung Quốc chỉ đoạt 2/37 tấm HCV, nhưng tất cả đều vô cùng ấn tượng. Pan Zhanle giành HCV bơi tự do 100m nam cùng thành tích kỷ lục thế giới. Ở nội dung bơi tiếp sức 4x100m hỗn hợp nam, đội tuyển bơi lội Trung Quốc cũng xuất sắc giành HCV, qua đó chấm dứt sự thống trị kéo dài suốt 64 năm qua của Mỹ.
Thể thao Trung Quốc ngày càng phát triển và lớn mạnh qua mỗi kỳ Olympic, dù đứng thứ 2 trên bảng tổng sắp nhưng họ vẫn xứng đáng 'vô địch' trong lòng NHM.
TT | Quốc gia | Tổng | |||
---|---|---|---|---|---|
1 | Mỹ | 40 | 44 | 42 | 126 |
2 | Trung Quốc | 40 | 27 | 24 | 91 |
3 | Nhật Bản | 20 | 12 | 13 | 45 |
4 | Úc | 18 | 19 | 17 | 54 |
5 | … | ||||
35 | Philippines | 2 | 0 | 2 | 4 |
37 | Indonesia | 2 | 0 | 1 | 3 |
44 | Thái Lan | 1 | 3 | 2 | 6 |
80 | Malaysia | 0 | 0 | 2 | 2 |
? | Việt Nam | 0 | 0 | 0 | 0 |